Chủ đề và phong cách Gintama

Mục tiêu chính của Sorachi Hideaki trong Gintama là tạo ra những tình huống khôi hài; trong suốt 2 năm sáng tác, Sorachi càng lúc càng đưa thêm nhiều yếu tố kịch tính vào các mẩu chuyện, nhưng yếu tố hài hước vẫn được giữ nguyên. Nhiều trò đùa từ truyện được lấy ý tưởng từ các manga khác. Ví dụ, ở chương đầu tiêu sau khi Gintoki chiến đấu với nhóm người ngoài hành tinh để bảo vệ Shinpachi và Tae, Shinpachi đã phàn nàn rằng cậu ta chỉ được đánh nhau trong "1 trang" và Gintoki đã trả lời: "Im đi! Một trang đã là quá lâu với một họa sĩ truyện tranh rồi!". Sự cường điệu của Gintoki khi thể hiện mong muốn được đọc Weekly Shounen Jump (anh ta sẵn sàng đánh nhau với những độc giả khác để giành được cuốn tạp chí cuối cùng) cũng khiến độc giả tức cười, vài bộ truyện khác của Shueisha sau này cũng được đưa vào các tình tiết truyện. Nhiều tình huống trong truyện buộc độc giả phải có kiến thức về văn hóa Nhật mới có thể hiểu được. Sự hài hước của Gintama được giới công chúng gọi là "kỳ dị" và "bất bình thường" – đây chính là điểm khiến Gintama được yêu thích khi nét vẽ của nó bị đánh giá là "không hấp dẫn" và đi cảnh đôi khi quá nhanh. Khó có thể phân định được Gintama nằm ở thể loại "sci-fi comedy" (vì sự xuất hiện của người ngoài hành tinh trong truyện) hay "samurai comedy". Nó cũng thâm nhập vào xã hội hiện đại với những ngày lễ hội và truyền thuyết nổi tiếng của Nhật mà nó đề cập tới. Thêm vào đó, Gintama cũng khai thác hình ảnh của một số nhân vật lịch sử có thật và những câu chuyện của họ. Bên cạnh yếu tố hài hước, cuộc xâm lược của Amanto vào Nhật Bản và mối quan hệ giữa họ với người Trái Đất cũng đưa ra nhiều vấn đề xã hội đáng suy nghĩ.